Thursday, August 27, 2009

thức lúc nửa đêm (part 8)

Sau một chuyến ăn chơi, tôi đã nghĩ là ngay khi về đến nhà, tôi sẽ ngồi chém ra một cái blog. Một vài sự kiện xảy ra gần đây với tôi, cụ thể như nhạc giao hưởng, gái điếm, rượu bia, shisha và clubbing... bỗng trở thành một nỗi ám ảnh cá nhân về những câu chuyện văn hóa. Chỉ riêng 2 chữ "văn hóa" là đã lột tả đủ những sự mơ hồ và dễ bị chẹp miệng rằng, "Nhảm nhí!" Cũng như những người trẻ thường quan tâm đến việc sống sao cho kịp với thời đại, chứ cũng chẳng mấy người thích ngồi lại để chiêm nghiệm và hoài niệm quá khứ. "Văn hóa" không tồn tại rõ ràng dưới dạng "khái niệm", mà hiện hữu (đôi khi) ngoài tầm nhận thức ở từng cá nhân.

Đọc được bài viết của bác Vương Trí Nhàn, thấy có một câu nói rất hay và đúng đắn, khiến tôi nhớ lại gần một năm trước, khi mới đến Đan Mạch, những kinh nghiệm văn hóa tại một đất nước Châu Âu cũng đã khiến tôi suy ngẫm lại về đất nước của mình.


"Tôi thấy ở Việt Nam cứ nói đến văn hóa thì nghĩ đến những chuyện cao xa trừu tượng, hoặc hoa lá cành cờ đèn kèn trống. Trong khi đó phong cách sống của mỗi cộng đồng, bao gồm suy nghĩ, ăn ở, đi lại... tất cả những cái đó đều là văn hóa."


Còn tôi đã từng viết vào notebook như thế này. Chỉ là rút ra nhận xét từ một hiện tượng chứ cũng chẳng dám bình luận gì thêm.


"When Vietnamese people talks about culture, they talk about history, traditions and all the old folks. But there is absolutely no reference to the modern life."


Cơ mà đúng thật. Tôi thử vào trang web của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam, vào mục Văn hóa Việt, chỉ thấy họ nói về những thứ giá trị lâu đời và di sản truyền thống. Nhưng tuyệt nhiên chẳng có một lời về những nền nếp, thói quen trong đời sống sinh hoạt thường ngày, tỉ dụ như chuyện cafe, bia bọt, bữa tối quây quần, chùa chiền hay vàng mã... đại loại thế. Dựa bóng cấp trên, dạo gần đây báo chí cũng được thể lạm dụng và (nói không ngoa) hiếp dâm từ ngữ; họ nói về những thói hư tật xấu, gán bừa những hiện tượng do đông đảo cộng đồng thực thi thành 2 chữ "văn hóa". Nào là văn hóa còi xe, văn hóa chửi bới, văn hóa rác rưởi, văn hóa phong bì...

Tôi không phủ nhận, đó là những hiện tượng tồn tại đông đảo, nhưng tôi không nghĩ 2 chữ "văn hóa" có thể đem ra dùng dễ dãi như thế. Vì đấy không phải là những giá trị mà "dân mình" hướng tới. Chẳng thế mà (lại) có những bác "tứ trụ", bác D.T.Quốc, bác V.T.Nhàn chuyên viết bài về văn hóa người Việt; và cũng chẳng thế mà tiếng Việt (lại) có 2 tính từ "kém văn hóa" và "có văn hóa". Tức là, đại bộ phận (?) người Việt Nam có thể sinh sống kém văn hóa,
đó không có nghĩa là văn hóa Việt Nam chỉ toàn đồ mạt hạng, rẻ tiền. Văn hóa có những chuẩn mực nhất định, chứ không phải theo kiểu “dân làm thế nào thì văn hóa nó lao đao như thế.” Văn hóa phải theo sát cuộc sống, nhưng không phải là để cuộc sống bóp méo theo hình hài của những mainstreams. Một xã hội không có khả năng giáo dục con người hiểu, practice và phát triển văn hóa một cách đúng đắn thì xã hội ấy vẫn còn xa mới tới được điểm hẹn văn minh.


Trở về từ 4 tháng học ở Đan Mạch, câu chuyện tôi hay kể nhất với mọi người là văn hóa đi xe đạp của người dân nước này. Sinh viên đi xe đạp, người già đi xe đạp, fashionista đi xe đạp, giáo sư đi xe đạp, doanh nhân đi xe đạp, bà bầu đi xe đạp (các ảnh khác ở đây, đâyđây), mẹ chở con bằng xe đạp (hoặc đây), tình nhân cưới nhau trên xe đạp. (Chẳng ai trong số đó e ngại việc đi xe đạp sẽ làm cho họ trông nghèo khổ!) Phố xá tắc nghẽn vì xe đạp. Luật giao thông ưu tiên hết mực cho xe đạp. Họ tự hào là thành phố thân thiện với xe đạp nhất trên thế giới và đề cao văn hóa ấy như một giá trị hết sức tốt đẹp. Tôi thán phục và yêu văn hóa Đan Mạch cũng từ cái xe đạp mà ra. Có một người bạn nghe tôi kể như vậy, bèn liên hệ đến những chiếc xe đạp ruồi của bọn trẻ con tầm 1-2 năm trước. Chỉ tiếc rằng đó lại chỉ là một trào lưu nhất thời của đám trẻ thích khoe mẽ và phô trương bản thân. Vì tôi nghĩ, nếu như chúng nó dám dẹp bỏ xe máy để đi những chiếc xe đạp ấy, cho dù có “lố bịch” đến đâu, nhưng vừa khỏe khoắn, vừa tiết kiệm mà lại sạch sẽ với môi trường, thì cũng là đáng quý với thành phố lắm rồi.


Thế là đêm nay, sau một chuyến ăn chơi, tôi sẽ lại mất ngủ để cố tìm ra một nét văn hóa đẹp nào mà người dân Việt Nam nói chung, và cá nhân tôi nói riêng có thể yêu quý và tự hào như những người Đan Mạch với chiếc xe đạp.

3 comments:

Unknown said...

Ôi chị ơi em cũng thích nhất là văn hóa đi xe đạp ở đây. Nó tạo thành một nét rất đặc trưng của Copenhagen. Em đi ngoài đường có sở thích ngắm người đi xe đạp, mỗi người một vẻ, không ai giống ai, mỗi ngày về nhà trong đầu lại lưu lại những hình ảnh mới đẹp và thú vị :x Ở Việt Nam thì em thích ngồi xe buýt rồi ngắm cuộc sống ngày thường ở hai bên đường, đi xa rồi mới nhận ra văn hóa chẳng đâu cao xa mà chính là những gì ở ngay bên mình :) Tuy nhiên em nghĩ những nét truyền thống từ xa xưa như nghệ thuật, làng nghề, lễ hội... cũng rất quan trọng chứ. Nhưng thật sự cuộc sống thành phố hiện đại nó khiến mình xa rời những nét đó quá, không tiếp xúc, không hiểu ý nghĩa và giá trị, cho nên không yêu...

Anonymous said...

Em chao` chi :D Em la tren VA , qua facebook chi nen duoc duoc blog chi luon:D
Chi qua Denmark chi o thanh pho nao vay chi? Tai nam sau em se di exchange, em dinh la em se di khoi' Bac' Au ma em nghe chi ke Dan Mach thich qua':D:D Em dang tim hieu de dinh di a.:D

Q.fg said...

Welcome em :) chi o Copenhagen em a. Neu di Bac Au thi Scandinavia va DK la best choice, vi ho co nen van hoa tuong doi khac so voi nhung noi khac, hien dai ma cung rat truyen thong. Neu em muon hoi ji them ve DK thi shoot me an email qfuong.le@gmail.com, I'd love to help you :).